Ngày đăng: 14/09/2022
Từ ngày 29/5 đến 4/6/2022, nhóm dự án NCM đã tiến hành chuyến công tác thực địa tại ĐBSCL. Trong chuyến công tác, nhóm đã phối hợp cùng Viện Biến đổi Khí hậu và Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn các bến liên quan về Thách thức và Chính sách quản lý tài nguyên vùng ĐBSCL. Hội thảo đã quy tụ nhiều đại diện từ khu vực quản lý nhà nước, khu vực sản xuất và khu vực nghiên cứu. Nhóm tham vấn số 5 có sự tham gia của cán bộ tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của UBND huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp); giảng viên khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ); hộ nông dân trồng lúa (ông Châu ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) và hộ nông dân trồng sầu riêng (anh Phong ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Câu chuyện của hai nông dân về hoạt động sản xuất trong bối cảnh môi trường sinh thái vùng thay đổi và phương thức thích nghi của từng hộ là chủ đề xuyên suốt buổi thảo luận.
Có nhiều thách thức được nêu tên trong hội thảo tham vấn khi nói về thay đổi môi trường sinh thái tại ĐBSCL, từ phía học giả nghiên cứu cũng như từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước và người sản xuất, phổ biến là sự suy giảm lượng nước ngọt, sự thất thường của dòng nước và mùa lũ sông Cửu Long, hiện tượng mưa trái mùa, tình trạng nước biển dâng, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, giảm lượng cát khai thác, vấn đề đê bao, cống ngăn lũ/ngăn mặn, bên cạnh đó là các hệ quả sản xuất khác như tình trạng lạm dụng phân bón/thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm nguồn nước, hiện tượng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", giá vật tư đầu vào tăng, giá đầu ra giảm, dịch bệnh tăng đi kèm với nhân công sản xuất thời vụ thiếu hụt... Tất cả những vấn đề này đều không hề xa lạ với hoạt động sản xuất của hai hộ nông dân trong nhóm tham vấn. Quá trình sản xuất trong giai đoạn 05 năm vừa qua của hai hộ nông dân đều có trải nghiệm ở hầu hết các thách thức được gọi tên.
Câu chuyện trồng lúa của ông Châu (tỉnh Đồng Tháp, là một trong 03 tỉnh trồng lúa trọng điểm của Đồng bằng cùng với Kiên Giang và An Giang), là một điển hình về tác động của thay đổi môi trường sinh thái đến hoạt động sản xuất lúa tại ĐBSCL. Ông Châu tham gia dự án "Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười từ năm 2019. Dự án hướng dẫn và hỗ trợ ông thực hiện mô hình 02 lúa - 01 cá bằng việc đắp đê lửng và bao lưới để nuôi cá lóc và trữ cá tự nhiên, không để ruộng ngập nước bỏ không. Năm 2019, mực nước lũ vào ruộng lên khoảng gần 1 met, năng suất lúa và cá đều tương đối cao, lúa của ruộng nhà ông Châu đạt tới hơn 8 tấn/ha, cá đạt 9 tấn/ha, giá lúa được 6.000 đồng/kg, giá cá lên tới 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hai năm gần đây (2020-2021), lượng nước lũ về giảm hẳn, chỉ đạt khoảng 50cm, nước lên chậm và rút nhanh, không những năng suất lúa giảm, năng suất cá cũng hao hụt, lúa chỉ còn khoảng 7 tấn/ha, trong khi giá chỉ 5.800 đồng/kg, cá giảm mạnh còn 5-6 tấn/ha, giá chỉ 28.000 đồng/kg. Đặt trong bối cảnh giá gạo thế giới năm 2020-2021 tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng, tình trạng giá và năng suất lúa - cá của gia đình ông Châu cho thấy sự khó khăn và thiệt thòi rõ rệt của người nông dân vùng ĐBSCL - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong những bên liên quan trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Để hỗ trợ người nông dân, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp, như phổ biến các mô hình "1 phải 5 năm", "3 giảm 3 tăng" nhằm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ cao để giảm nhu cầu nhân công thời vụ. Những mô hình này giúp giảm thiểu được một phần tác động từ thay đổi môi trường sinh thái và hướng hoạt động sản xuất lúa theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, kết quả sản xuất cũng như đời sống của nông hộ khi diễn biến thời tiết thất thường vẫn rất khó khăn.
Câu chuyện trồng sầu riêng của hộ anh Phong lại đại diện cho tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng của các hộ sản xuất tỉnh Bến Tre trong đợt cao điểm xâm nhập mặn năm 2016 và 2020, cũng như những hệ lụy kèm theo. Anh Phong có 1ha đất trồng sầu riêng tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), một trong những vựa sầu riêng lớn nhất của vùng ĐBSCL. Năm 2016, nắng nóng kéo dài, mực nước các sông thấp kỷ lục, các sông chính của Bến Tre có độ mặn đạt đến 4‰, xâm nhập sâu và nhánh sông nhỏ đến 45-60km. Đại hạn mặn lớn nhất trong vòng 100 năm khiến Bến Tre (và nhiều tỉnh thành khác) phải công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn Toàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, có 02 giải pháp xử lý cấp bách mà anh Phong có thể chọn: hoặc mua nước tưới cho cây, hoặc khoan giếng tìm nước ngọt. Nếu mua nước, anh sẽ phải mua với giá lên tới 100 nghìn đồng/m3 (một số nơi lên tới 200 nghìn đồng / m3, so với mức giá nước máy chỉ 8.000 đồng / m3). Nếu khoan giếng, thay vì khoan sâu 60 m sẽ có nước ngọt như trước, thì năm 2016 giếng khoan phải sâu trên 400m mới có đủ nước ngọt đảm bảo tưới tiêu, chi phí cho một giếng khoan lên tới 125 triệu đồng. Sau đợt hạn năm 2016 đã có nhiều giải pháp được chính quyền áp dụng để thích ứng và phóng chống gồm: xây cống ngăn mặn, xây hồ chứa nước ngọt, hỗ trợ bồn chứa nước cho nông dân, khuyến cáo nông dân không khoan giếng sâu gây sụt lún đất, quan trắc độ mặn, nạo vét kênh mương. Đến năm 2020, hạn mặn lại một lần nữa xảy ra, phá vỡ mọi kỷ lục hạn mặn của năm 2016, nước mặn đến sớm và lên nhanh bất thường. Kinh nghiệm ứng phó và những chuẩn bị từ sau đợt hạn 2016 đã phần nào giúp nông dân nói chung và hộ anh Phong nói riêng không quá bị động trước thiên tai, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Các hộ dân vẫn phải mua nước ngọt, chấp nhận cây chết, sản lượng giảm, mùa vụ thua lỗ, cống ngăn mặn khiến nước không lưu thông, chuyển màu vàng rồi đen, hồ chứa bị nhiễm mặn, hộ dẫn vẫn bỏ tiền khoan giếng tìm nước.
Câu chuyện của hai nông dân, đại diện cho hai vùng sản xuất và hai loại cây trồng trọng điểm của vùng ĐBSCL, đã cho thấy tác động hiển hiện của thay đổi môi trường sinh thái đến đời sống và sản xuất của từng người dân. Công tác quản trị tài nguyên nước, tài nguyên đất tại Đồng bằng vẫn luôn là vấn đề được chính quyền các địa phương quan tâm, nhưng năng lực dự phòng và ứng phó vẫn còn nhiều khoảng trống và thiếu nhiều nguồn lực thực hiện.
Vũ Thúy Vinh
Copyright 2023. All rights reserved.