Các vấn đề trong quản trị tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu – góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước các tỉnh vùng ĐBSCL

Ngày đăng: 15/09/2022

Đặc thù thổ nhưỡng và mức độ ngập của vùng ĐBSCL đã hình thành nên các vùng sinh thái tự nhiên riêng biệt. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ định vị các vùng sinh thái thành 03 khu vực lớn: vùng ngọt, vùng lợ, và vùng mặn. Với mỗi khu vực, vấn đề quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH sẽ có sự khác biệt nhất định, nhưng danh mục vấn đề có sự tương đồng, và quan trọng nhất, các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết phải hình thành cơ chế hợp tác vùng trong giải quyết các bài toán quản trị tài nguyên và ứng phó BĐKH.

Phân vùng sinh thái nông nghiệp vùng ĐBSCL theo thổ nhưỡng và độ ngập
Nguồn: Báo cáo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trong chuyến thực địa tháng 5/2022 của nhóm nghiên cứu dự án NCM, nhóm đã làm việc với nhiều Sở, ngành, đơn vị1 tại ba tỉnh An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, đại diện cho các vùng sinh thái riêng biệt của ĐBSCL. Tại mỗi đơn vị, nhóm nghiên cứu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường tại địa phương do tác động từ biến đổi khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, trao đổi về giải pháp thích ứng cũng như những ràng buộc trong công tác quản lý nhà nước.

 
Để đánh giá tiềm năng và sự phát triển của một thực thể kinh tế, ngoài việc xem xét các chỉ tiêu phát triển (các biến lưu lượng) như GRDP, tốc độ tăng trưởng các ngành, chỉ số giá trị gia tăng, việc làm, lạm phát, v.v…, thì rất cần đánh giá quy mô các nguồn lực phát triển (các biến tích lượng). ĐBSCL vốn là vùng đất trù phú, giàu tài nguyên nhất cả nước, nhưng quá trình khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế Vùng trong 40 năm qua đã khiến nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên suy giảm hoặc biến đổi, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho sản xuất và đời sống. Với hai nguồn tài nguyên cơ bản của Vùng là đất và nước, tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống tại mỗi địa phương không giống nhau, nhưng đều chung nhận định về sự suy giảm quy mô nguồn lợi và việc buộc phải thích nghi thụ động với những thay đổi từ môi trường.

Trong quản trị nguồn nước ngọt với các vấn đề liên quan như thiếu nước ngọt, hiện tượng mưa lũ thất thường, giảm lũ, mất lũ cục bộ, tác động từ đập thượng nguồn,... ảnh hưởng tới các địa phương vùng ngọt thượng nguồn như An Giang không lớn bởi lượng nước vẫn đủ cho sản xuất, ảnh hưởng chủ yếu tại các khu vực kênh cấp 2-3 với việc giảm nguồn lợi thủy sản mùa lũ, chi phí sản xuất tăng do phát sinh phí bơm tưới (khoảng 1-1,2 triệu/ha/vụ). Tuy nhiên, với sản xuất nông nghiệp vùng hạ nguồn và vùng mặn, ảnh hưởng rất rõ rệt. Ngay với Cần Thơ là địa phương không phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và có lợi thế giáp sông Hậu, tình trạng thiếu nước ngọt vẫn xảy ra dù không nghiêm trọng, doanh nghiệp phải giảm công suất khai thác nước ngầm, chuyển sang dùng nước mặt. Với Cà Mau, nhu cầu nước ngọt đến năm 2030 khoảng 400m3/ngày đêm, nhưng hiện nay nguồn nước từ hồ chứa 100ha của địa phương chỉ đáp ứng khoảng 100m3/ngày đêm, nước ngọt từ hệ thống cống Quản Lộ - Phụng Hiệp vào ruộng giảm mạnh do nhiễm mặn.

Tuy nhiên, trong quản trị tài nguyên nước của Vùng, dù Nghị định 120 (2017) đã xác định nước mặn là một tài nguyên của quan trọng, nhưng việc quản trị, khai thác, bảo tồn nguồn nước mặn vẫn chưa được định hướng chi tiết tại các tỉnh thành, ngoài các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn.

Với tài nguyên rừng và đất, tác động mạnh nhất diễn ra ở khu vực ven biển, nghiêm trọng nhất tại Cà Mau với tốc độ mất rừng hàng năm do sạt lở, sụt lún và nước biển dâng khoảng 400-500ha. Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như xây kè, đê bao ngăn sạt lở, trồng cây chắn sóng, kiểm soát khai thác nước ngầm bằng đồng hồ đo nước (tại các giếng sâu từ 200m3).

Các vấn đề phát sinh trong quản trị tài nguyên như ngập úng, rác thải, chỉ nghiêm trọng tại các khu vực đô thị lớn như TP. Cần Thơ, nhưng đã bắt đầu xuất hiện tại các khu vực hạ du, như Cà Mau gặp vấn đề từ ô nhiễm nước do rác thải sinh hoạt và sản xuất, các khu công nghiệp thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh không đảm bảo việc xử lý nước.

Với những tác động trên, hoạt động canh tác tại các địa phương đều có sự chuyển dịch thích ứng, chủ yếu đến từ sự chủ động của người dân, cùng với những nỗ lực định hướng từ chính quyền. An Giang đã chuyển cấu trúc lúa 3 năm 8 vụ thành 2 năm 5 vụ, trồng xen lúa với cá hoặc các rau màu khác như sen, rau nhút. Cần Thơ tập trung vào sản xuất lúa giống thay vì thương phẩm, tưới xen kẽ ngập – khô, trồng xen canh, nuôi tuần hoàn. Cà Mau nước mặn đến đâu chuyển đổi sinh kế mặn đến đó bằng việc xen canh lúa – màu, lúa – tôm, nuôi vịt biển, thủy sản quảng canh. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đếu có kịch bản ứng phó với lũ bất thường để có phương án chủ động trong trường hợp mất lũ do ảnh hưởng từ các đập thượng nguồn, tập trung vào xây hồ chứa nước ngọt, tận dụng các đập thủy lợi, nạo vét kênh rạch, cải tiến canh tác tiết kiệm nước với các mô hình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, liên kết vùng (ABCD – An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) quản lý trữ nước, xả lũ và giám sát chất lượng nước.

Mức độ tác động trên từng khía cạnh của quản trị tài nguyên và ứng phó BĐKH của các địa phương khảo sát được tổng hợp trong ma trận dưới đây.

Các vấn đề trong quản trị tài nguyên và ứng phó BĐKH của các địa phương vùng ĐBSCL
Nguồn: Tổng hợp từ thông tin khảo sát thực địa tháng 5/2022, Dự án NCM

 

Vũ Thuý Vinh

 

1 Bao gồm UBND tỉnh/thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện, và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.