Công nghệ địa không gian trong khoanh vùng cỏ năn tượng phục vụ nghiên cứu sinh kế tại MCF Sóc Trăng

Ngày đăng: 08/09/2022

Ngày 23/08/2022, đoàn cán bộ trường đại học Fulbright Việt Nam và đại học Cần Thơ có chuyến khảo sát tại Hợp tác xác MCF Mỹ Quới, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Đây là hợp tác xã sản xuất đồ thủ công - mỹ nghệ từ cây cỏ năn tượng trong khuôn khổ Chương trình Xây dựng và Phát triển Làng nghề Nông thôn do Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu và Bảo tồn ĐBSCL (Mekong Conservancy Fund) tài trợ.

Mô hình sinh kế từ cỏ năn tượng của MCF bắt nguồn từ nghiên cứu của TS. Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) nhằm phục dựng những giống cây trồng địa phương để thích ứng với điều kiện môi trường biến đổi của ĐBSCL. Kết quả chỉ ra cây cỏ năn tượng và cây bồn bồn giúp nuôi trồng thủy sản (tôm/cua) ít bệnh hơn cũng như cho năng suất cao hơn.

Cây cỏ năn tượng mọc hoang trên ruộng ở khu vực thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng (ảnh Vũ Thúy Vinh).

Từ quỹ MCF do bản thân kêu gọi tài trợ và sáng lập, TS. Ni đã tìm cách tận dụng cây cỏ năn tượng để chế biến thành các sản phẩm thủ công - mỹ nghệ như giỏ, làn, túi đựng đồ xuất khẩu góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Dự án MCF Sóc Trăng hoạt động trở thành một trong những mô hình có triển vọng mở rộng để tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho người dân và tăng khả năng bảo vệ môi trường. Mô hình này rất phù hợp với các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ những biến đổi về môi trường (ví dụ Sóc Trăng) như các tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn, v.v...

Một số sản phẩm thủ công - mỹ nghệ sản xuất từ cây cỏ năn tượng tại HTX MCF Sóc Trăng.

Đoàn công tác đã định vị một số vấn đề về chính sách quản lý môi trường, phát triển kinh tế - xã hội gắn với yếu tố sinh kế bền vững của người dân khu vực gồm:

  • Các chính sách và chủ trương loại bỏ xâm nhập mặn và các tác động từ xâm nhập mặn trong hơn 40 năm qua là chưa phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng chưa có biện pháp và cơ chế dự bán, đánh giá và kiểm soát mặn - ngọt phù hợp dẫn tới các tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Do vậy, có một tỷ lệ lớn dân cư (ước tính hơn 1 triệu dân) vùng Sóc Trăng vốn sống dựa vào sinh kế từ nước mặn - lợ đã di cư đi nơi khác;
  • Cây cỏ năn tượng phát triển quá nhanh và mạnh một cách tự nhiên nên cần bỏ nhiều công sức để cắt bỏ. Diện tích cỏ năn tượng ở khu vực các tỉnh ĐBSCL còn rất lớn nhưng mới chỉ khai thác được một phần nhỏ do chưa thể đánh giá được quy mô cũng như chưa thể ước tính được mức độ phát triển của cây để lên phương án khai thác phù hợp;
  • Khả năng khai thác ứng dụng công nghệ địa không gian (structure-from-motion photogrammetry) trong khoanh vẽ vùng phân bố và tính toán lượng cỏ trên mỗi thửa ruộng:

       

Mô hình số không gian hỗ trợ tính toán thể tích các khoảnh năn tượng ở khu vực xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

  • Triển vọng xây dựng và phát triển nhiều hơn nữa các giải pháp sinh kế bền vững cho người dân sau những chuyển biến tích cực về chính sách đối với tài nguyên nước mặn từ chính phủ thông qua việc tận dụng và phát triển các nguồn tài nguyên vốn có tại địa phương.

 

   Hạ Quang Hưng