ĐBSCL thích ứng trước sự suy thoái của tài nguyên nước

Ngày đăng: 14/09/2022

Sự suy thoái của tài nguyên nước ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm gần đây, dù là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, đều ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, và do đó, để ngăn chặn điều này cũng như giảm thiểu tác động, cả nhà nước, nhà khoa học, và người dân đều phải hành động.

Một số nguyên nhân khiến tài nguyên nước ở ĐBSCL bị suy thoái

Nguyên nhân đầu tiên chính là ở việc khai thác dòng sông Mekong của các nước thượng nguồn. Những hoạt động như ngăn dòng chảy làm hồ chứa, xây đập thuỷ điện, tăng cường hoạt động sản xuất nông nghiệp,… đều làm giảm dòng chảy của sông đến các nước hạ nguồn và hạn chế nguồn nước mà các nước ở phía hạ lưu sông tiếp cận được.

Thế nhưng, nguyên nhân chính dẫn đến tài nguyên nước bị ảnh hưởng nặng nề nằm ở chính sách quản lý tài nguyên của các cấp lãnh đạo liên quan. Đầu tiên, dù đã được thông qua trong Nghị quyết Nghị quyết số 120/NQ-CP Về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu về tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, nhưng trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa được chú trọng, bằng chứng là hiện nay vẫn chưa có địa phương nào đứng ra chịu trách nhiệm, quản lý liên vùng ĐBSCL. Hệ quả là, một số các quyết định/công trình của địa phương này ảnh hưởng tiêu cực đến địa phương khác. Ví dụ, các công trình đê bao khép kín ở các tỉnh thượng nguồn khu vực như An Giang, Đồng Tháp khiến cho các tỉnh phía hạ nguồn thiếu nước.

Bên cạnh liên kết vùng, quy trình kiểm soát chất lượng nước cũng chưa được chú trọng. Các quy định về xả thải hiện chỉ mới tập trung vào nhóm các doanh nghiệp lớn, và thả nổi các doanh nghiệp nhỏ, cũng như các hộ gia đình sản xuất, mặc dù đây cũng là những nguồn gây ô nhiễm đáng kể. Ví dụ: Lượng phân bón và thuốc trừ sâu dư thừa cho sử dụng quá mức sẽ ngấm xuống đất và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Ngoài ra, do nước ngọt ở bề mặt ngày càng khan hiếm mà càng ngày càng có nhiều người dân khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, làm tăng thêm nguy cơ sạt lở và xói mòn.

Giải pháp từ nhà nước và lãnh đạo địa phương

Những can thiệp từ phía nhà nước là cần thiết để cải thiện tài nguyên nước ở khu vực ĐBSCL, và thay đổi tư duy có lẽ là một trong những bước tiến cực kỳ quan trọng. Nếu như trước đây, chúng ta nói nhiều về việc đối phó thì ngày nay, bên cạnh việc đối phó, nhà nước cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc “thích ứng” với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên. Và Nghị quyết 120 là bước ngoặt khi Chính phủ xác định “Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Công”. Với hướng đi mới này, những phương pháp can thiệp thô bạo vào tự nhiên như xây dựng đê bao khép kín, đưa nước ngọt vào các vùng nước lợ sẽ dần bị loại bỏ và thay thế bằng những phương pháp phù hợp hơn.

Ngoài ra, đối với các vấn đề cụ thể về nguồn nước, qua các buổi làm việc với UBND các tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, và tỉnh Cà Mau, lãnh đạo các tỉnh/địa phương cũng đã có một số biện pháp để cải thiện các vấn đề về nguồn nước nói riêng và tài nguyên nói chung tại địa phương. Ví dụ như đối với vấn đề ô nhiễm nước, tỉnh An Giang đang phối hợp với hai tỉnh của Campuchia để kiểm soát chất lượng nước xuyên biên giới; Cần Thơ đang xây dựng hệ thống xử lý ban đầu, quy hoạch nhà máy thu gom nước thải KCN, xử lý chất thải rắn sinh hoạt y tế, còn Cà Mau có quy định xử lý nước thải nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, không áp dụng cho các hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản. Đối với vấn đề thiếu nước ngọt, An Giang dự định đề nghị khôi phục hai túi nước Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp bằng cách xây dựng hồ trữ nước ngọt. Đối với các vấn đề sạt lở, xói mòn, các địa phương hiện nay vẫn ưu tiên các công trình vật lý như bờ kè.

Làm việc với đại diện UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT tại UBND tỉnh An Giang


Làm việc với đại diện UBND thành phố, Sở NN&PTNT, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT tại UBND thành phố Cần Thơ


Làm việc với đại diện Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở NN&PTNT tại Sở TN-MT tỉnh Cà Mau


Giải pháp từ người dân - Chuyển đổi sinh kế

Về phía người dân, để đáp ứng tình hình thay đổi của điều kiện tự nhiên, hay từ dân dã hơn là “thuận thiên”, một số mô hình nông nghiệp đã có sự chuyển đổi, nổi bật trong số đó là câu chuyện của tỉnh Cà Mau. Là bán đảo có nước mặn tự nhiên, nhưng chính sách “Ngọt hoá bán đảo Cà Mau’ vào những năm 90 đã đi ngược lại tự nhiên và tạo nên những vùng tranh chấp mặn – ngọt. Sau đó, tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh lại tầm nhìn và xác định rằng nước mặn mới chính là tập trung chính của tỉnh, và do đó, thuỷ sản chính là ưu thế của vùng đất. Kể từ đó, tỷ trọng khu vực I của tỉnh Cà Mau đã dần dịch chuyển từ nông – lâm – ngư nghiệp sang ngư – nông – lâm nghiệp. Con tôm và con cua đã trở thành những con vật đem lại thu nhập chính cho bà con nông dân nơi này.
Không chỉ thay đổi về cơ cấu nông nghiệp, bản thân việc trồng cây gì, nuôi con gì cũng có sự thay đổi tuỳ theo tình hình thời tiết, khí hậu. Ở khu vực rừng U Minh Hạ, người dân sinh sống ở vùng đệm (khoảng 25 ngàn hecta xung quanh vùng lõi) đã từ từ thử nghiệm và đúc kết rằng chuối có thể sinh trưởng rất tốt trong điều kiện “ngập lợ úng phèn” của khu vực U Minh. Ngoài ra, ở các vùng khác của tỉnh Cà Mau, bà con nuôi vịt biển, một loài vịt lai giữa vịt trời và le le, để có thể giúp chúng sinh trưởng được ở vùng nước mặn. Về phía các nhà khoa học, Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang cũng đang nghiên cứu những giống lúa mới có khả năng chịu được khoảng ngập.

Thành viên dự án trao đổi với Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang


Đối thoại giữa đại diện chính quyền, nhà khoa học, và người dân

Bên cạnh những giải pháp từ mỗi bên thì những giải pháp được xây dựng từ sự trao đổi của cả nhà nước và người dân là cực kỳ quan trọng. Trên cơ sở đó, dự án NCM đã phối hợp với viện DRAGON – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn Đồng Bằng Sông Cửu Long thế kỷ 21: Các vấn đề môi trường cấp bách và chính sách ứng phó. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Sở, ban ngành; các doanh nghiệp tư nhân; các khoa/viện thuộc Trường Đại học Cần Thơ; và nông dân. Đây là diễn đàn để các bên cùng ngồi lại và nhận diện những vấn đề cấp bách trong khu vực dưới góc nhìn đa chiều, là bước đầu để các bên hiểu được những khó khăn mà người dân gặp phải, từ đó xây dựng nên các chính sách phù hợp.

TS. Vũ Thành Tự Anh (Trường Fulbright) trình bày

TS. Văn Phạm Đăng Trí (Viện DRAGON) trình bày

TS. Trần Anh Thông (Trường Fulbright) trình bày



Đỗ Trương Phương Lam